|
SCAMPER là phương pháp tư duy sáng
tạo do Robert Eberle - nhà quản lý giáo dục người Mỹ - tìm ra vào đầu những năm
1970. Phương pháp SCAMPER dựa trên nguyên lý đơn giản: những thứ sáng tạo thực
chất là sự thay đổi của những thứ đang tồn tại xung quanh chúng ta. Phương pháp
SCAMPER gồm 7 nguyên tắc nhỏ: Substitue/Thay thế, Combine/Kết hợp, Adapt/Thích
nghi, Modify/Điều chỉnh, Put to Other Uses/Sử dụng vào mục đích khác,
Eliminate/Loại bỏ, Reverse/Đảo ngược.
Nếu hiểu và áp dụng thành công những phương pháp này, startup trẻ có thể tìm
thấy những ý tưởng khởi nghiệp đáng giá.
1. Nguyên tắc Substitue/thay thế
Khi sử dụng nguyên tắc thay thế để tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, chúng ta đang
đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi như: Có thể sử dụng những nguyên vật liệu
khác để cải tiến sản phẩm này không? Có thể thay thế bước nào trong quy trình
sản xuất? Dựa trên những sản phẩm/dịch vụ đã có sẵn trên thị trường, bạn có thể
tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ khác tối ưu hơn, thuận lợi cho người dùng mà
vẫn đảm bảo giá bán hợp lý. Vận dụng nguyên tắc thay thế, chúng ta không những
có thể nảy ra các ý tưởng khởi nghiệp mới mà còn tìm ra cách liên tục cải tiến,
tối ưu hóa sản phẩm của doanh nghiệp.
2. Nguyên tắc Combine/Kết hợp
Nguyên tắc này dựa trên việc kết hợp các sản phẩm/dịch vụ khác nhau thành sản
phẩm/dịch vụ mới có nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Trong nhiều trường hợp,
việc kết hợp những ý tưởng sáng tạo với nhau có thể dẫn đến những sản phẩm mang
tính đột phá.
3. Nguyên tắc Adapt/Thích nghi
Nguyên tắc thích nghi dựa trên cơ sở xem xét sản phẩm/dịch vụ hiện tại được sử
dụng trong một trường hợp khác. Thử nghĩ về việc sử dụng sản phẩm/dịch vụ đang
có mặt trên thị trường để giải quyết những vấn đề khác của khác hàng và chúng ta
có thể tìm ra ý tưởng khởi nghiệp mới.
Chẳng hạn: Hiện nay, dầu dừa được không ít bạn trẻ ưa chuộng như loại mỹ phẩm để
dưỡng da, dưỡng tóc… Dầu dừa được lấy từ cùi (cơm) của trái dừa. Phần cùi này
trước đây thường dùng để ăn. Như vậy, cũng là cùi dừa nhưng khi được sử dụng cho
mục đích khác, nó đã trở thành ý tưởng kinh doanh có khả năng sinh lời cao.
4. Nguyên tắc Modify/Điều chỉnh
Đúng như tên gọi, nguyên tắc này gợi mở cho chúng ta những câu hỏi như: Có thể
thay đổi hình dáng và kích thước của sản phẩm không? Có thể bổ sung những tính
năng nào cho sản phẩm để tăng thêm giá trị cho khách hàng? Bằng cách đặt những
câu hỏi theo nguyên tắc điều chỉnh này, chúng ta có thể tạo ra những sản
phẩm/dịch vụ khác biệt và phù hợp hơn với những phân khúc khách hàng khác nhau.
5. Nguyên tắc Put to Other Uses/Sử dụng vào mục đích khác
Áp dụng nguyên tắc này có nghĩa là chúng ta phải tìm cách sử dụng các sản
phẩm/dịch vụ thông thường vào những việc khác với thường lệ. Chuỗi cửa hàng café
“nhai luôn ly” Monkey in Black là ví dụ tiêu biểu cho lối tư duy này.
6. Nguyên tắc Eliminate/Loại bỏ
Nguyên tắc này được sử dụng khi chúng ta nhận thấy sản phẩm/dịch vụ hiện tại có
thể loại bỏ hay chia nhỏ một số yếu tố, chức năng để giảm bớt chi phí, công sức
và thời gian sản xuất mà sản phẩm/dịch vụ mới được tạo ra vẫn có chất lượng tốt,
đáp ứng yêu cầu của phân khúc khách hàng khác. Apple với chính triết lí “Tối
giản và cực hảo - chỉ giữ lại những gì cần thiết” của Steve Jobs đã tạo ra những
sản phẩm mang tính cách mạng và thay đổi cách con người sử dụng công nghệ.
7. Nguyên tắc Reverse/Đảo ngược
Với nguyên tắc này, chúng ta sẽ có được ý tưởng khởi nghiệp mà trong đó sản
phẩm/dịch vụ có cấu trúc, một trật tự sắp xếp khác so với thông thường. Đơn giản
nhất là chúng sẽ đảo ngược với hiện tại. Các cửa hàng thức ăn nhanh chính là
minh chứng tiêu biểu cho nguyên tắc này. Thay vì ngồi vào bàn và đợi nhân viên
phục vụ đến tận bàn để gọi món và trả tiền sau bữa ăn, khách hàng thực hiện tất
cả những việc này ngay tại quầy thanh toán khi vừa bước vào cửa hàng.
Viện Đào Tạo Kỹ Năng
Quản Lý & Lãnh Đạo MASTERSKILLS
Công ty CP Giáo Dục TINH NGHỆ .MST: 0309177901 .Ngày cấp: 02/07/2009 .Nơi
cấp: Sở Kế Hoạch Và Đầu Tư Thành Phố Hồ Chí Minh
Bản quyền © 2009 - 2024 Masterskills.org